Đăng ký Đăng nhập Đăng tin mua bán xe

Phụ tùng ô tô có nguy cơ tăng giá tại Việt Nam

18/01/2019

Nghị định 154 do Chính phủ ban hành chính thức siết chặt hoạt động nhập khẩu linh, phụ kiện ô tô. Do đó, thời gian thông quan dự kiến sẽ lâu hơn và giá cả có thể tăng.

Chính phủ chính thức ban hành Nghị định 154 quy định chi tiết thi hành một số điều luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa vào tháng 11/2018. Trong đó, các sản phẩm thuộc nhóm 2 có khả năng gây mất an toàn và phải tiến hành đăng ký kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa nhập khẩu, và công bố hợp quy theo các quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN).

Danh sách các sản phẩm gây mất an toàn được công bố trong Thông tư 41 của Bộ Giao thông Vận tải hồi tháng 7/2018. Trong đó, bao gồm các linh kiện, phụ kiện như: gương chiếu hậu, đèn chiếu sáng, kính an toàn, la-zăng hợp kim, vật liệu nội thất và thùng nhiên liệu. Thời điểm kiểm tra, chứng nhận được thực hiện sau khi thông quan và trước khi đưa ra thị trường.

Thông tư 41 của Bộ Giao thông Vận tải được thay thế cho Thông tư 39 ban hành hồi tháng 12/2016. Theo đó, những linh kiện, phụ kiện cũng phải đạt yêu cầu cầu chứng nhận và công bố hợp quy. Tuy nhiên, thủ tục của quá trình lại khá đơn giản. Nhà nước không yêu cầu đăng ký kiểm tra về chất lượng hàng nhập khẩu, vì thế, thời gian thông quan chỉ khoảng 1 tuần.

Với quy định mới, các doanh nghiệp đăng ký kiểm tra và nộp kèm các giấy tờ liên quan cho cơ quan đăng kiểm. Sau đó, khi có giấy tờ xác nhận từ cơ quan, hãng trình lại Hải quan để được đưa linh kiện về kho, nhưng không được sử dụng hoặc bán ra thị trường.

Phụ tùng ô tô

Phụ tùng ô tô có nguy cơ tăng giá tại Việt Nam

Thời điểm hoàn thiện các thủ tục kiểm định, chứng nhận, công bố hợp chuẩn, hợp quy cho linh, phụ kiện, các doanh nghiệp mới có thể sử dụng bình thường cũng như bán ra thị trường.

Bên cạnh đó, việc áp mã hàng hóa (HS) cho linh, phụ kiện nhập khẩu trong quá trình đăng kiểm, thông quan có sự thay đổi. Trước đây, các doanh nghiệp hầu như không phải làm việc này. Hiện nay, mỗi linh kiện với mã số khác nhau sẽ cần được thống kê và cung cấp cho cơ quan đăng kiểm.

Theo đó, đối với những linh, phụ kiện theo diện nhập khẩu để thay thế, sửa chữa số lượng, kiểu loại cần phải công bố hợp quy là không nhỏ. Chẳng hạn, theo một doanh nghiệp thống kê, một bộ đèn trước có tới hàng nghìn mã, tính thêm cả thời gian thực hiện quy trình chứng nhận, hợp chuẩn, hợp quy sẽ kéo dài thời gian thông quan, khách hàng sẽ phải chờ đợi một thời gian dài để có phụ tùng sửa chữa, thay thế.

"Tương tự việc nhập khẩu ô tô, linh, phụ kiện giờ đây khi nhập về Việt Nam cũng kiểm định theo từng đợt nhập hàng hoặc yêu cầu giấy chứng nhận chất lượng của nước ngoài", ông Tuấn Anh, giám đốc Volkswagen Việt Nam cho biết. 

Khi chưa thể đáp ứng các thủ tục cần thiết, tương tự ôtô ở Nghị định 116, các phụ tùng, linh kiện có thể tắc đường về. Trong khi khách hàng có thể chờ một món hàng như gương, lốp trong vài tháng. Anh Hoàng Bảo, quận 7, TP. HCM cho biết đặt hàng từ hãng kính chắn gió cho chiếc Volkswagen Polo từ tháng 10/2018 nhưng đến nay chưa có.

Với những doanh nghiệp lắp ráp trong nước nhưng nhập linh, phụ kiện từ nước ngoài, nếu không thể thông quan chỉ một, hai sản phẩm có thể ảnh hưởng đến quá trình sản xuất. Sếp phụ trách chiến lược sản phẩm một hãng xe Nhật tại Việt Nam nói rằng, giả sử nếu không thể thông quan gương chiếu hậu cho một mẫu xe lắp ráp trong nước, xe sẽ chậm ra thị trường.

Với những vướng mắc này, hãng e ngại giá linh, phụ kiện sẽ tăng vì việc thêm các thủ tục đăng ký, thời gian lưu kho, thông quan lâu hơn khiến chi phí phát sinh. Nếu sản phẩm đó nhập với số lượng lớn chưa phải vấn đề. Nhưng giả sử một khách hàng đặt hãng một đèn chiếu sáng của xe đời 2010, hãng phải nhập về vài chiếc để làm đăng kiểm nhưng chỉ bán phục vụ cho một khách thì khả năng giá thành tăng là lớn. 

"Trước mắt, với thời gian lưu kho, đăng kiểm, chứng nhận lâu hơn làm phát sinh chi phí, chúng tôi chưa có ý định tăng giá phụ tùng, linh kiện đối với khách hàng", đại diện một hãng xe nhập khẩu chia sẻ.

Đại diện doanh nghiệp ô tô nhập khẩu Đức tại Việt Nam từng chia sẻ, các sản phẩm như gương, lốp, kính, đèn ôtô, vật liệu nội thất... hiện có thể mất từ 3 đến 8 tháng để thông quan. 

Theo thống kê của hãng, sau 15/9/2018, tính từ thời điểm Thông tư 41 chính thức có hiệu lực đến nay, đã có khoảng 40 đơn hàng của khách đặt các phụ tùng thay thế, sửa chữa vẫn chưa có. Trong số đó, một vài khách hàng không thể chờ đợi thêm đã chuyển sang mua phụ tùng bên ngoài không chính hãng. 

Nguồn: vnexpress.net

Tin đã lưu