Đăng ký Đăng nhập Đăng tin mua bán xe

Gọi cứu hộ thế nào khi ô tô gặp sự cố vào ngày Tết?

30/01/2019

Tết là thời gian cao điểm của dịch vụ cứu hộ giao thông. Khi sử dụng dịch vụ này, khách hàng cần trang bị cho mình những kiến thức, kinh nghiệm để được phục vụ tốt nhất cũng như tránh bị chặt chém.

Dồn dập cuộc gọi cứu hộ xe

Theo tin tức ô tô, nhân viên ở đại bản doanh của Cứu hộ 116 trên đường Trường Chinh (Hà Nội) vừa nhận một cuộc gọi tới đường dây nóng 0909.116.116. Theo đó, khách hàng cho biết cần cứu hộ ở khu vực Bắc Ninh.

Sau khi tiếp nhận thông tin, ngay lập tức Cứu hộ 116 điều loại xe phù hợp lên đường. Trong ngày hôm nay có tới hơn 10 cuộc gọi của khách hàng. “Loại xe cần cứu hộ rất đa dạng, từ xe tai nạn, xe bị hỏng cần sửa chữa đến xe công trường đưa đi bảo dưỡng. Dịp cuối năm, mật độ giao thông tăng cao nên liên tiếp xảy ra tai nạn, nhu cầu cứu hộ giao thông cũng tăng lên gấp 2 - 3 lần”, Giám đốc Cứu hộ 116 - ông Bùi Xuân Duyên cho biết. 

Đang trao đổi với PV, đường dây nóng của Cứu hộ 116 lại đổ chuông, cần tới sự trợ giúp của cứu hộ giao thông. Qua trao đổi, ông Duyên nhận thấy khách hàng có thể tự khắc phục nên đã hướng dẫn cách xử lý tình huống mà không cần cử nhân viên cứu hộ tới.

Theo ông Duyên, thời điểm cao điểm, bình quân mỗi ngày có từ 12 - 15 cuộc gọi yêu cầu trợ giúp đến tổng đài công ty. Cuối năm, nhiều tài xế có xu hướng uống rượu bia nhiều, nên số vụ TNGT xảy ra với mức độ nghiêm trọng hơn. 

Tại Công ty Cứu hộ ABC trên phố Nhân Hoà (Thanh Xuân, Hà Nội), ông Trần Văn Minh, Giám đốc cho biết, dịp cận Tết này, không chỉ số vụ TNGT cần đến cứu hộ cao hơn mà còn có tính chất nghiêm trọng hơn so với ngày thường. “Số vụ cứu hộ giao thông thường không diễn ra tại các thành phố như Hà Nội hay TP .Hồ Chí Minh mà lại xảy ra ở các tỉnh”, Giám đốc Cứu hộ ABC chia sẻ.

Còn tại TP. Hồ Chí Minh, ông Lâm Quốc Khanh, Giám đốc Cứu hộ Rạng Đông cho biết, các trường hợp cần đến cứu hộ giao thông gọi tới dịp cận Tết này tăng không nhiều, tương đương so với ngày thường. Khách hàng gọi tới phần lớn là các chủ xe cần dịch vụ cứu hộ đưa xe đi sửa chữa trước Tết.

Cách tính phí khi gọi cứu hộ?

Cách tính phí khi gọi cứu hộ? 1

Gọi cứu hộ thế nào khi ô tô gặp sự cố vào ngày Tết?

Theo khảo sát của PV, trong dịp Tết, nhiều đơn vị cứu hộ giao thông uy tín không tăng giá, vẫn giữ nguyên như ngày thường. Tuy nhiên, trên thực tế, không ít trường hợp phản ánh về tình trạng bị cứu hộ giao thông chặt chém khi xe bị tai nạn.

Đối với Cứu hộ 116, vào ngày Tết, công ty bố trí nhân lực hài hòa để mọi người vừa được ăn Tết nhưng vẫn đảm bảo công việc cứu hộ. Thời điểm Tết Nguyên đán tới đây, quân số “trực chiến” tại Cứu hộ 116 khoảng từ 50 - 70% so với ngày thường.

Về giá cả cứu hộ, mỗi đơn vị thông thường sẽ có một mức giá chung không thay đổi. Chẳng hạn khi cứu hộ 1 chiếc xe con, xe du lịch 16 chỗ trong khu vực nội thành Hà Nội (bên này sông Hồng) có giá từ 600.000 - 700.000 đồng.

Mặt khác, đối với khu vực ngoại thành, tính phí sẽ theo kilomet. Ví dụ, cần cứu hộ đưa xe từ Hà Nội đi Hải Phòng thì kilomet đầu tiên khoảng 300.000 - 400.000 đồng, kilomet tiếp theo tầm 20.000 đồng/km hoặc tính bình quân 23.000 đồng/km.

Bên cạnh đó, nếu bắt buộc phải đi đường cao tốc hay những nút giao, cộng thêm phí vé lượt đi và lượt về, chi phí cứu hộ sẽ cao hơn.

Giám đốc Cứu hộ ABC cũng cho biết, gần 10 năm nay, giá dịch vụ cứu hộ trong ngày Tết không thay đổi so với ngày thường, kể cả khi xe bị ngập nước. Chẳng hạn sang phía bên kia sông Hồng như Gia Lâm, giá cứu hộ dao động khoảng 700.000 đồng. Còn cứu hộ ngoại thành như từ Hải Phòng về Hà Nội, giá cứu hộ sẽ tính theo kilomet khoảng từ 20.000 - 22.000 đồng/km. 

Tuy nhiên, không thể máy móc trong việc tính giá cứu hộ. Bởi nếu như khu vực cần cứu hộ là Thường Tín hay Sơn Tây, nếu tính theo kilomet thì không được mà còn phải tính thêm các chi phí như tắc đường, thời gian vào. Khi đó, giá cứu hộ sẽ được tính theo chuyến.

Tương tự, đại diện Công ty Cứu hộ Rạng Đông (TP Hồ Chí Minh) cho biết sẽ không tăng giá trong dịp Tết Nguyên đán. Giá cứu hộ trong khu vực nội đô TP Hồ Chí Minh sẽ có giá từ 550.000 - 600.000 đồng và hoạt động xuyên Tết với khoảng 50% quân số (khoảng 4 người và 2 xe chạy chính).

Tuy nhiên, theo các đơn vị cứu hộ này, mức giá trên chỉ dành cho các trường hợp kéo xe bình thường. Tùy vào từng tính chất vụ việc hay tai nạn, giá cứu hộ sẽ khác nhau.

“Mình đã là người dùng ô tô thì nên chuẩn bị trước các tình huống xấu có thể xảy ra. Đầu tiên phải chú ý bảo dưỡng chiếc xe thật tốt để giảm thiểu rủi ro khi tham gia giao thông xuống mức thấp nhất. Bên cạnh đó, phải biết được những lỗi nhỏ có thể tự khắc phục được chứ không phải lúc nào cũng cần gọi cứu hộ”, Giám đốc Cứu hộ 116 - Chi hội trưởng Chi hội Cứu hộ giao thông đường bộ Việt Nam đưa ra lời khuyên.

Làm thế nào để không bị chặt chém khi gọi cứu hộ?

Không may chiếc xe của bạn gặp sự cố hay tai nạn cần tới cứu hộ giao thông, điều cần làm đầu tiên là diễn tả chi tiết tình trạng sự cố xe. Sau đó, khách hàng nên đưa thêm thông tin của xe hoặc hiện trường vụ tai nạn, địa điểm, vị trí. Từ đó, đơn vị cứu hộ sẽ báo giá và thời gian chuẩn nhất, cử người cũng như loại xe phù hợp đến để thực hiện công tác cứu hộ.

Thời gian cứu hộ chuẩn cũng là một trong những tiêu chí đánh giá uy tín của đơn vị cứu hộ, bởi không thể để khách hàng phải chờ đợi lâu mà không biết bao giờ xe cứu hộ mới tới.

Ngoài ra, khách hàng có thể tìm cứu hộ thông qua một số nơi như: garage quen thường lui tới sửa xe, đơn vị bảo hiểm (nếu có), hoặc chính nơi mua xe, để tìm được dịch vụ cứu hộ uy tín. Đây là những nơi khi xe không may gặp sự cố sẽ được kéo về để sửa chữa, do đó sẽ tránh được tình trạng bị chặt chém, báo giá cao.

Cuối cùng, đại diện Chi hội Cứu hộ giao thông đường bộ Việt Nam đưa ra lời khuyên vô cùng hữu ích với khách hàng. Theo đó, khi gọi cứu hộ giao thông, khách hàng nên nắm bắt mặt bằng giá chung của dịch vụ cứu hộ. Từ đó, đàm phán để tránh bị chặt chém. Một lưu ý quan trọng là hãy yêu cầu đơn vị cứu hộ thông báo giá trước, để tránh xảy ra tình trạng cứu hộ xong mới hỏi tới giá tiền dịch vụ.

Nguồn: xe.baogiaothong.vn

Tin đã lưu