Đăng ký Đăng nhập Đăng tin mua bán xe

Kinh nghiệm lái xe an toàn trong mưa bão

16/06/2017

Khi trời mưa bão, điều kiện quan sát đường sẽ bị hạn chế rất nhiều, chính vì vậy lái xe cần cẩn trọng trong việc kiểm tra xe trước khi xuất phát, cũng như chú ý tập trung hơn khi cầm vô lăng.

Khi mùa mưa bão đến, lái xe cần chú ý thường xuyên theo dõi thông tin qua báo đài, ti vi, dự báo thời tiết để nắm chắc khi nào thì có mưa, những đoạn đường nào thường xuyên ngập lụt, từ đó lên lịch trình cho mình trong trường hợp bất đắc dĩ phải ra ngoài đường.

Nắm vững những nguyên tắc khi lái xe trong điều kiện mưa bão.

Nắm vững những nguyên tắc khi lái xe trong điều kiện mưa bão

1. Chuẩn bị để lái xe an toàn trong mưa bão

Để cẩn thận hơn, các chủ xe nên kiểm tra hệ thống phanh, đèn và cần gạt nước có hoạt động tốt hay không, lốp xe có bị mòn quá mức cho phép không. Những việc kiểm tra này không nên chỉ khi có mưa mới tiến hành mà cần kiểm tra thường xuyên vì không mất nhiều thời gian mà còn tăng cường sự an toàn cho bản thân và chiếc xe của bạn.

Riêng về phần lốp xe, chủ xe cần thay lốp mới sau 40-50 nghìn km. Kiểm tra áp suất lốp xe phải đủ tiêu chuẩn kỹ thuật vì các gai trên bề mặt lốp được thiết kế để thoát nước, đồng thời đảm bảo độ bám giữa lốp và mặt đường. Khi lốp xe mòn, hoặc áp suất lốp thấp sẽ làm tăng khả năng xuất hiện hiện tượng Hydroplaning (lốp bị nâng khỏi mặt đường), dẫn đến chiếc xe dễ bị trượt và mất lái khi đường trơn trượt. Bạn cũng nên thay miếng gạt nước, hoặc cần gạt nước ít nhất 1 lần/năm.

2. Khi lái xe trong mưa bão

Bạn cần đi chậm hơn so với tốc độ bình thường và tăng khoảng cách với xe phía trước, chú ý quan sát và để xe chạy đều. Không nên tăng tốc, hay điều khiển xe cơ động đột ngột vì đường trơn trượt có thẻ làm trượt bánh mất lái.

Bật đèn pha để quan sát tốt hơn, đồng thời để các xe khác cũng dễ dàng nhận ra xe bạn hơn, tránh va chạm không đáng có khi tầm nhìn bị hạn chế.

Hạn chế đi sát xe tải hoặc xe bus để tránh tạt nước vào kính chắn gió. Hãy đi giữa phần đường của mình để đề phòng rủi ro khi va chạm với xe khác, xe của bạn dễ bị quăng ngang vì phanh gấp. Đây cũng chính là cách để tránh cho xe của bạn khỏi bị ngập nước vì mặt đường ở giữa thường được thiết kế cao hơn so với hai bên. Nếu như ở những đoạn đường có vũng nước lớn, bạn hãy quan sát những phương tiện phía trước làm chuẩn để bám nhưng nhớ luôn giữ khoảng cách an toàn giữa hai xe tốt nhất có thể.

Chú ý khi xe đi ngược chiều gần tới, cần tránh phanh gấp. Nếu cần thiết hãy giảm ga, hoặc rà nhẹ chân phanh để giảm tốc độ. Luôn nhớ phanh sớm hơn và nhẹ hơn so với bình thường vì độ nhạy của phanh xe khi đường ướt sẽ kém hơn từ 2 đến 3 lần so với đường khô.

Không dùng phanh tay khi xe ô tô bị trượt, thay vào đó, hãy từ từ nhả chân ga và điều khiển xe đi thẳng cho tới khi chiếc xe lấy lại được ổn định, dùng phanh chân đạp nhẹ cho đến khi xe trở lại trạng thái cân bằng.

Nếu như thấy ổ gà, vũng nước lớn, bạn hãy cân nhắc nhanh, không đánh bánh lái, ga hay phanh mà giữ vững bánh lái để xe di chuyển thẳng qua. Giữ vô lăng thật chặt để chiếc xe nhẹ nhàng di chuyển qua. Tránh tối đa khi phải đi vào những chỗ đường ngập nước sâu, nước chảy siết.

3. Xử lý ô tô sau khi đi đường ngập nước

Bạn nên rà thắng, nhồi thắng vài lần để cho nước thoát ra và khô và cứ thử sau khi thấy thắng có cảm giác thì tăng tốc. Đồng thời sử dụng điều hòa để cân bằng nhiệt độ, giúp tránh tụ nước. Thực hiện bảo dưỡng xe thường xuyên theo định kỳ.

Trong điều kiện có thể, việc hạn chế di chuyển xe khi đi ngoài trời mưa bão là tốt nhất. Nếu như cảm thấy mưa quá to, điều kiện an toàn trên đường không đảm bảo, lái xe nên tìm một địa điểm nào đó để tránh mưa, đợi ngớt rồi hãy đi tiếp.

Bạn đừng quên, luôn chuẩn bị trong cốp xe những thứ đồ "bất ly thân" cần thiết như: Kích mini, cờ lê, tuốc nơ vít, kìm cường lực, tay đòn nối để mở ốc la-zăng,... Khi cần, chính lái xe cũng có thể xử lý một số trường hợp nhỏ trong khả năng như: Thay lốp dự phòng, kiểm tra và châm nước mát, dầu nhớt hay kích nổ xe khi xe hết ắc quy bằng ắc quy xe khác.

Nguồn: zing.vn

Tin đã lưu