Đăng ký Đăng nhập Đăng tin mua bán xe

Các đèn cảnh báo trên xe ô tô có ý nghĩa gì?

04/08/2021

Có những cảnh báo bạn không phải lo lắng quá, nhưng có những cảnh báo bạn cần phải biết để tránh gây ra những mối nguy hiểm cho xe và tính mạng của mình khi tham gia giao thông.

Khi các ký hiệu trên táp lô bật sáng là khi chiếc xe ô tô của bạn muốn truyền tải thông điệp nào đó đến người lái, tuy nhiên để hiểu ý nghĩa và xử lý đúng là việc không dễ. Vậy các đèn cảnh báo trên ô tô có ý nghĩa gì? Hãy thử xem bạn có hiểu và xử lý đúng cách các tình huống sau: 

1. Biểu tượng "Cool" màu xanh là gì?

Những cảnh báo màu xanh là an toàn.

Những cảnh báo màu xanh là an toàn

Khi vừa khởi động xe ô tô, biểu tượng này sẽ xuất hiện thường là buổi sáng. Thông thường, khi đèn màu vàng hoặc đỏ mới cảnh báo nguy hiểm. Còn màu xanh bạn "đừng vội lo" vì cảnh báo này chỉ "nhẹ nhàng" thông báo đến chủ xe ô tô là động cơ vừa hoạt động, dầu máy chưa đủ nóng để bôi trơn động cơ.

Để động cơ hoạt động êm ái bền bỉ, lái xe ô tô nên để xe chạy không tải đến khi đèn này tắt đi, lúc này chiếc xe đã sẵn sàng.

2. Cách xem đồng hồ nhiệt độ nước làm mát động cơ?

Đồng hồ nhiệt độ làm mát động cơ

Kim báo xăng chỉ phía bên phải là đầy bình nhưng kim báo nhiệt độ làm mát động cơ thì sao?

Nhiều người đã không quan tâm đến trạng thái đồng hồ này nhất là phụ nữ và lái mới. Đèn này thường có thiết kế khá giống và kích thước tương đương với đồng hồ báo xăng, thể hiện tầm quan trọng, nhưng cách hiểu lại không giống nhau. Nếu như kim chỉ về phía bên trái có nghĩa động cơ chưa đủ nóng để xe ô tô hoạt động bình thường. Sau một lúc khởi động, nếu kim chỉ về chính giữa có nghĩa động cơ đã hoạt động ổn định.

Trường hợp kim đồng hồ chỉ về phía phải (vạch đỏ chữ H, viết tắt của Hot: nóng), tài xế nên lập tức táp vào lề đường để dừng xe an toàn, đồng thời tắt máy để động cơ nguội. Trong những ngày nóng bạn nên tăng cường để ý chỉ dấu nhiệt độ.

Mở mui xe ô tô để tạo khoảng trống cho hơi nóng động cơ thoát ra ngoài nhanh hơn. Điều tối kỵ mà tất cả lái xe cần lưu ý là không mở nắp két nước ngay bởi lúc này nhiệt độ cao khiến áp lực của nước trong két rất lớn, khi mở nắp có thể khiến nước phun trào ra và gây bỏng.

Sau khi đã chờ cho động cơ,cũng như hệ thống làm mát nguội bớt, lúc này hãy mở nắp két nước để kiểm tra. Hầu hết các xe ô tô đều có một bình chứa nước để dẫn vào két nước, bạn có thể quan sát bằng mắt thường mực nước có đầy hay không. Nếu xe ô tô có bình chứa, hãy đổ đầy lượng dung dịch làm mát, nếu trường hợp khẩn cấp không có dung dịch làm mát có thể thay bằng nước sạch.

3. Biểu tượng "Brake" màu vàng?

Biểu tượng brake màu vàng

Những biểu tượng màu vàng và đỏ là cảnh báo nguy hiểm

"Brake" có nghĩa là "phanh/ thắng", cảnh báo liên quan đến hệ thống phanh của xe ô tô. Nếu đèn màu da cam hiện lên rồi tắt sau vài giây khi khởi động thì hệ thống phanh xe hoạt động bình thường.

Trường hợp đèn hiện màu đỏ có nghĩa phanh tay vẫn chưa được hạ xuống hoặc bộ phận phanh đang gặp lỗi và cần phải được kiểm tra. Có thể phanh xe bị kẹt hay hệ thống phanh hết dầu. Nhiều lái xe đã hạ phanh tay nhưng cảnh báo này vẫn xuất hiện. Lúc này, bạn nên kiểm tra phanh tay có bị kẹt, hoặc đã nhả hết chưa, đạp phanh chân một vài lần xem có hết đèn báo sáng không. Nếu đèn vẫn sáng, để đảm bảo an toàn nên đưa xe ô tô đi kiểm tra ngay.

>>> Có thể bạn quan tâm: Tìm hiểu về dung tích thực của bình xăng

4. Có nên tự xóa lỗi Check engine?

Đèn báo check engine

Trong số các đèn cảnh báo thì đèn check engine, biểu tượng động cơ có tầm quan trọng nhất.

Các chuyên gia của trang tin Canadian Driver đã khuyên người sử dụng không nên tự xóa lỗi bằng cách tháo nguồn điện. Điều này có thể sẽ gây nguy hiểm cho người thiếu kinh nghiệm tháo lắp ắc-quy. Trong một vài trường hợp đèn báo tắt khi làm bằng cách này nhưng lỗi không được khắc phục triệt để mà chỉ mang tính tạm thời.

Trong số các đèn cảnh báo thì đèn check engine là biểu tượng động cơ có tầm quan trọng nhất. Các nguyên nhân làm đèn này sáng đa phần đến từ hệ thống điều khiển mà không liên quan tới cơ khí. Chẳng hạn do lỏng giắc cắm điện, cảm biến oxy lỗi, hay nắp bình xăng chưa vặn chặt, cảm biến lưu lượng khí hoạt động không bình thường, hệ thống đánh lửa bị lỗi...

Hành động hợp lý nhất là mang xe ô tô của bạn tới các garage có máy quét lỗi để xác định và sửa chữa, bảo dưỡng kịp thời. Mỗi đèn báo lỗi trên ô tô đều có ý nghĩa riêng cung cấp nhiều thông tin hữu ích cho lái xe. Chính vì vậy việc hiểu rõ ý nghĩa đèn báo lỗi là điều quan trọng đối với tài xế ô tô.

Hy vọng bài viết trên sẽ cung cấp thêm cho bạn biết được các đèn cảnh báo trên xe ô tô có ý nghĩa gì? Nếu bạn yêu thích nội dung này, hãy thường xuyên ghé thăm chuyên mục Tư vấn của chúng tôi. Khi có bất cứ thắc mắc hoặc vấn đề gì cần hỗ trợ, hãy liên hệ với Canbanoto.com.

Nguồn: vnexpress.net

Tin đã lưu